> vietnamese > TQ-ASEAN > ASEAN > Trung tâm hội viên
Chuyên gia Việt Nam: Đảng Cộng sản Trung Quốc là then chốt cho sự phát triển đất nước Trung Quốc
 Mới nhất:2022-11-09 18:43:50   Số lần đã xem:0 Nguồn gốc:CRI

Đại hội Đại biểu lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa qua là sự kiện thu hút sự quan tâm, phân tích của đông đảo các học giả trên toàn thế giới, đặc biệt là các nhà nghiên cứu Việt Nam. Mới đây, ông Nguyễn Vinh Quang - cố vấn cao cấp Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế, đồng thời là một chuyên gia nghiên cứu lâu năm về khu vực Đông Bắc Á và tình hình Trung Quốc, đã có những chia sẻ với Đài chúng tôi về ý nghĩa của sự kiện trọng đại này.

Đại hội XX là một Đại hội đặc biệt quan trọng, vì diễn ra vào thời điểm bản lề giữa 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất đó là hoàn thành mục tiêu trăm năm thứ nhất “xây dựng toàn diện xã hội khá giả” vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc tức năm 2021. Cụ thể, 1,4 tỉ người dân Trung Quốc đã chính thức thoát nghèo theo chuẩn quốc tế. Hiện nay, Trung Quốc đang tiến tới thực hiện mục tiêu trăm năm thứ hai, và Đại hội XX là kỳ Đại hội đầu tiên của giai đoạn này.

Đại hội XX không chỉ tổng kết 5 năm mà còn tổng kết 10 năm kể từ lúc Trung Quốc bước sang thời đại mới. Trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp, bản thân Trung Quốc cũng gặp nhiều thách thức, tại Đại hội này, người dân Trung Quốc và người dân các nước khác vô cùng trông đợi vào những quyết sách của Trung Quốc cho giai đoạn tiếp theo.

Theo chuyên gia Nguyễn Vinh Quang, một nội dung quan trọng tiếp tục được đề cập tại Đại hội lần này là công tác chỉnh đốn, xây dựng Đảng. Báo cáo công tác của Đại hội khẳng định, những thành tựu mà Trung Quốc có được một phần là nhờ quản lý Đảng nghiêm minh, toàn diện, chống tham nhũng triệt để và sâu rộng. Đã từ lâu, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chỉ ra, vấn đề của Trung Quốc then chốt là ở Đảng, Trung Quốc thành hay bại then chốt là ở Đảng. Lần này, Tổng Bí thư Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh: “Việc xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại hóa toàn diện, thúc đẩy sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa, then chốt là ở Đảng.” Có thể thấy rằng việc xây dựng Đảng được nhà lãnh đạo tối cao nhìn nhận như một công trình vĩ đại từ nay đến giữa thế kỷ 21. Các nội dung của xây dựng Đảng rất toàn diện cũng rất cụ thể, bao gồm: xây dựng tư tưởng, phương thức lãnh đạo, chế độ quản lý, xây dựng đội ngũ cán bộ, năng lực cầm quyền…

Trong Báo cáo Chính trị, Tổng Bí thư Tập Cận Bình cũng đề cập đến những thử thách mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục phải đối mặt – đó là những thử thách về cầm quyền, về cải cách mở cửa, về kinh tế thị trường, về môi trường bên ngoài đặt ra cho đảng. Bên cạnh đó, những nguy cơ như tinh thần uể oải, thiếu hụt năng lực, xa rời quần chúng, tiêu cực, tham nhũng cũng sẽ tồn tại lâu dài. Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định, tham nhũng là “ung nhọt” lớn nhất nguy hại tới sức sống và sức chiến đấu của đảng, chống tham nhũng là tự mình cách mạng triệt để nhất.

“Nếu Đảng không mạnh, không trong sạch thì Trung Quốc sẽ không thể nào thành công được – Đó là thông điệp được nhấn mạnh nhất tại Đại hội lần này,” vị chuyên gia nói.

Những đường lối, chính sách đối ngoại mới của Trung Quốc được đưa ra tại kỳ Đại hội này cũng là tâm điểm chú ý của toàn thế giới. Báo cáo Chính trị khẳng định, thúc đẩy hoà bình và phát triển thế giới, đẩy mạnh xây dựng cộng đồng chung vận mệnh là mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Văn kiện Đại hội cũng cho biết, Trung Quốc sẽ tích cực tham gia cải cách và xây dựng hệ thống quản trị toàn cầu, thi hành quan điểm quản trị toàn cầu cùng bàn, cùng xây dựng, cùng hưởng lợi, kiên trì chủ nghĩa đa phương đích thực, thúc đẩy dân chủ hóa trong quan hệ quốc tế, thúc đẩy quản trị toàn cầu phát triển theo hướng công bằng và hợp lý hơn.

Ông Nguyễn Vinh Quang chỉ ra, trong những năm qua, Trung Quốc đã rất tích cực đề xuất các sáng kiến mang tính chất toàn cầu, trong đó có Vành đai và Con đường, Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, Sáng kiến An ninh toàn cầu, đồng thời giới thiệu các khái niệm như quan hệ quốc tế kiểu mới, quan hệ nước lớn kiểu mới, cộng đồng chung vận mệnh nhân loại…

“Trung Quốc lớn mạnh nhưng vẫn luôn tự nhận mình thuộc về “đại gia đình” các nước đang phát triển. Tiếng nói của Trung Quốc về các vấn đề toàn cầu luôn đứng về phía các nước đang phát triển, vì lợi ích của nhóm này. Đó là lý do tại sao các sáng kiến của Trung Quốc được đông đảo các nước đang phát triển ủng hộ,” vị chuyên gia phân tích.

Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam là quan hệ láng giềng hữu nghị, hai Đảng, hai nước có nhiều điểm tương đồng. Dù còn có một số vấn đề chưa được giải quyết, nhưng trục chính của quan hệ 2 nước vẫn là hợp tác hữu nghị. Trong những năm gần đây, hợp tác thương mại, giao lưu văn hoá, du lịch… ngày càng được đẩy mạnh. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 30/10 đến ngày 2/11, đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Trung Quốc sau Đại hội XX, cho thấy tính chất đặc biệt và tầm quan trọng của quan hệ Việt – Trung.

“Tại Đại hội XX, chúng ta đã được nghe Tổng Bí thư Tập Cận Bình cam kết với thế giới, với khu vực, và với các nước láng giềng trong đó có Việt Nam. Những lời cam kết này vô cùng tuyệt vời. Nếu được thực hiện đúng như vậy, tôi tin rằng sắp tới giao lưu giữa hai Đảng, 2 nước sẽ có những bước tiến mới, thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị mang lại lợi ích cho nhân dân 2 nước, đồng thời đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển cho khu vực và thế giới”, chuyên gia Nguyễn Vinh Quang nói.

Bài văn liên quan

Hot Phát biểu bình luận