> vietnamese > Tin tức > Quảng Tây > Trung tâm hội viên
Trung Quốc tiếp thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế châu Á
 Mới nhất:2023-04-04 17:38:44   Số lần đã xem:0 Nguồn gốc:CRI

Ngày 31/3, Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm 2023 đã bế mạc tại Bác Ngao, Hải Nam, Trung Quốc. Đây là hội nghị quốc tế quy mô lớn đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trung Quốc sau 3 năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Với vai trò trung tâm của Trung Quốc, diễn đàn lần này đánh dấu sự trở lại và nâng tầm của kết nối, hợp tác khu vực, hứa hẹn nhiều giải pháp quản trị toàn cầu thời kỳ hậu COVID-19.

Là kênh hiệu quả để trao đổi ý kiến về các vấn đề kinh tế khu vực và thế giới suốt 2 thập kỷ qua, Diễn đàn châu Á Bác Ngao luôn thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu, học giả các nước, trong đó có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Theo vị chuyên gia, Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2023 là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh thế giới gần đây. Trong bối cảnh những bất ổn đan xen như làn sóng biểu tình lan rộng ở nước Pháp, các vụ tấn công khủng bố tại Afghanistan…, diễn đàn đã ngưng tụ nhận thức chung về hợp tác khu vực, đạt nhiều đồng thuận quan trọng về đường hướng phát triển cho thế giới thời kỳ hậu COVID-19.  

Tại diễn đàn năm nay, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường lần đầu tiên tham dự trên cương vị người đứng đầu chính phủ Trung Quốc, tiếp tục khẳng định cam kết mở cửa ở cấp độ cao và cung cấp nhiều chi tiết về các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng ổn định, vững chắc. Đây cũng là những thông điệp nhất quán mà Trung Quốc đã phát đi kể từ Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức tháng 10/2022 và mới đây là kỳ họp Lưỡng hội đầu tháng 3/2023.

“Trước những thách thức cản trở phục hồi kinh tế thế giới, sự cởi mở và nỗ lực của Trung Quốc giúp khơi dậy niềm tin vào hợp tác toàn cầu và chủ nghĩa đa phương. Sự hồi phục của Trung Quốc cũng là chiếc “mỏ neo” giúp khu vực đối mặt với các “cơn bão” đe doạ triển vọng tăng trưởng,” vị chuyên gia đánh giá.

Phân tích về vai trò của Trung Quốc hiện nay, chuyên gia Võ Đại Lược chỉ ra, từ phương diện chuỗi cung ứng, Trung Quốc vẫn là trung tâm sản xuất quan trọng của toàn cầu và bậc nhất châu Á. Về thương mại, kim ngạch giữa Trung Quốc với các nước châu Á, đặc biệt các quốc gia thành viên trong Hiệp định Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang tiếp tục mở rộng, chiếm tới 30% tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc. Đặc biệt những năm gần đây, quan hệ kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN ngày càng chặt chẽ: hai bên liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của nhau, tổng kim ngạch song phương tăng trưởng mạnh mẽ, đóng vai trò trụ cột trong cơ cấu ngoại thương của Trung Quốc.

Với đóng góp quan trọng từ Trung Quốc, châu Á đang khẳng định vị thế của mình là một trong những khu vực kinh tế năng động và thị trường tiêu thụ rộng lớn, là động lực đáng tin cậy đằng sau tăng trưởng toàn cầu trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn.

Theo Báo cáo chủ đạo của Hội nghị công bố ngày 28/3, nền kinh tế châu Á được dự báo sẽ đẩy nhanh nhịp phục hồi, đạt tăng trưởng GDP 4,5% vào năm 2023 so với mức 4,2% vào năm 2022, trở thành một điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm.

“Tuy rất nhiều thách thức, rủi ro còn ở phía trước, nhưng sự hồi phục vững chắc của kinh tế Trung Quốc đang tiếp thêm niềm tin và động lực cho tăng trưởng cho châu Á và toàn cầu,” vị chuyên gia Việt Nam khẳng định.

Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm 2023 diễn ra từ ngày 28/3 đến 31/3/2023 với chủ đề “Một thế giới không chắc chắn: Đoàn kết và hợp tác để phát triển giữa những thách thức”, quy tụ hơn 2.000 khách mời đến từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.