> vietnamese > Tin tức > Quảng Tây > Trung tâm hội viên
Mối lương duyên Quế Lâm- Mối tình nồng thắm Trung – Việt
 Mới nhất:2023-08-15 17:29:00   Số lần đã xem:0 Nguồn gốc:CRI

\

Mới đây, khuôn viên Dục Tài trong trường Đại học Sư phạm Quảng Tây, Trung Quốc đã chào đón những người bạn cũ đặc biệt - đoàn cựu học sinh Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, Việt Nam. Sau 65 năm, các thiếu nhi Việt Nam ngày đó đã trở thành những ông bà lão với mái tóc hoa râm, đi trên sân trường cũ, hồi ức lại tình hữu nghị Trung-Việt trong những năm tháng đã qua.

Đoàn gồm 22 thành viên về thăm trường cũ dưới sự tiếp đón của Phó Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Quảng Tây Hoàng Hiểu Vân. Phó Hiệu trưởng cho biết sự hợp tác giữa Đại học Sư phạm Quảng Tây và Việt Nam có lịch sử lâu đời, nơi đây từng là địa chỉ của Trường Dục Tài, đã đào tạo hơn 10.000 nhân tài xuất sắc cho Việt Nam. Hiệu trưởng chân thành mời các cựu học sinh "thường xuyên về thăm trường cũ".

Cách cổng phía Tây của trường không xa, có thể nhìn thấy một tòa nhà kiểu Việt Nam với những bức tường màu vàng và gạch đen. "Đây là phòng học cũ của học sinh Việt Nam." Thầy Nguyễn Trung Nguyên, nguyên Giám đốc Nhà kỷ niệm các trường học Việt Nam tại Đại học Sư phạm Quảng Tây cho biết, hiện nay tòa nhà này đã trở thành nhà kỷ niệm, có thể nhiều người không biết khuôn viên bình thường này đã đào tạo ra 4 Phó Thủ tướng Việt Nam. Thầy Nguyễn Trung Nguyên nói:

"Đây là ngôi trường từng hội tụ đông đảo giới tinh anh chính trị Việt Nam. Từ những năm 1950 đến những năm 1970, do lúc đó nhân dân Việt Nam đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ gian khổ, một số trường đã chuyển đến khu Dục Tài tại Đại học Sư phạm Quảng Tây. Từ năm 1951 đến năm 1975, hơn 14.000 học sinh Việt Nam đã hoàn thành học tập tại Quế Lâm rồi trở về Tổ quốc.” Theo thống kê chưa đầy đủ, trường đã đào tạo 4 nguyên phó Thủ tướng Việt Nam gồm Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Mạnh Cần, Nguyễn Công Tạn và Vũ Khoan, hơn 40 quan chức cấp tỉnh và cấp bộ, hơn 30 tướng lĩnh.

Năm 2010, Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây đã thành lập Nhà kỷ niệm Trường học Việt Nam trên nền ngôi trường cũ của trường Dục Tài ở Quế Lâm, những bức ảnh ố vàng và những bằng khen trong nhà kỷ niệm đã lặng lẽ kể về cuộc sống, học tập của học sinh Việt Nam hơn nửa thế kỷ trước tại đây. Trong buổi tham quan, mọi người đều chăm chú xem từng bức ảnh quý giá, lắng nghe từng câu chuyện đằng sau bức ảnh. Mọi người càng phấn khởi hơn khi nhìn thấy những khung cảnh và nhân vật quen thuộc trong ảnh, họ cũng rất vui khi thấy Nhà kỷ niệm các Trường học Việt Nam đã trở thành mặt bằng tốt để người dân Trung Quốc và Việt Nam ghi nhớ lịch sử, kế thừa tình hữu nghị.

Ông Trần Kiến Quốc, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt - Trung TP.HCM bày tỏ tâm trạng phấn khởi khi được trở lại trường cũ sau nhiều năm xa cách. Ông cho biết, Quế Lâm chính là "quê hương thứ hai" mà mọi người mơ ước, là nơi gắn liền với tuổi thanh xuân quý giá của họ. Ông nói:

"Đáng ra tuổi thơ nên được sống với gia đình, sống với cha mẹ, thì chúng tôi phải sống xa gia đình, xa cha mẹ. Thời gian đó cho dù ở trong nước rất khó khăn, các bạn Trung Quốc cũng còn rất khó khăn, nhưng đã giành nhiều ưu ái cho chúng tôi, người Việt Nam có câu là uống nước nhớ nguồn, thì những người đã cưu mạng mình, đã yêu thương mình thì không bao giờ được quên. Chúng ta phải làm sao cho mọi người hiểu rằng, sự giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc, nhân dân Quế Lâm đối với chúng tôi không bao giờ được quên.”

Ông Trần Kiến Quốc và các thành viên trong đoàn đã hát ba bài hát mà họ thường hát khi học tập tại Trung Quốc, xúc động khi gặp lại những người bạn cũ, nhớ lại quãng đời khi đi học tại nước bạn đã được gửi gắm trong bài hát, một câu chuyện khiến ông không bao giờ quên lại hiện ra. Ông Trần Kiến Quốc nói:

“Ngày chúng tôi mới đến, được sống ở trường Nhất Trung Quế Lâm, sau mỗi bữa ăn, chúng tôi ăn cơm xong rồi thì đi rửa bát, khi đó ít cơm còn dính trong bát, chảy lên máng rửa bát, rồi chúng tôi thấy những em bé Quế Lâm nhặt những hạt cơm đó ăn, xúc động vô cùng, biết bạn còn khó mà bạn vẫn thương mình, ký ước này đã in vào trong tâm trí của chúng tôi. "

Nhìn những tấm ảnh cũ ố vàng và những bằng khen trong Nhà kỷ niệm các trường học Việt Nam... Nhớ lại cảnh sinh sống và học tập tại đây hơn nửa thế kỷ trước, Đại tá Trương Đông Nhân, nguyên Phó Tổng Giám đốc Liên minh doanh nghiệp BASON Việt Nam hào hứng cho biết:

" Chúng tôi rời Việt Nam sang Quế Lâm Mùa xuân năm 1967, với cá nhân tôi thì đây là lần đầu tiên sang nước ngoài trong khi ở Việt Nam bom đạn là thế, rất khó khăn, rất vất vả. Đối với chúng tôi, Quế Lâm là thành phố tuổi thơ, dù thời gian chỉ có 20 tháng, nhưng chúng tôi đã có rất nhiều kỷ niệm với thành phố Quế Lâm. Hiện chúng tôi đã trên 70 cả rồi, nhưng khi về đây thì luôn cảm thấy mình như trở lại thời niên thiếu, tôi rất cảm động khi được thăm nhà lưu niệm, cũng như hôm nay cô Phó Hiệu trưởng đã nói, rất nhiều học sinh các trường Việt Nam không phải chỉ đi Trung Quốc mà còn đi rất nhiều nước, nhưng chưa có một nhà trường nào có nhà lưu niệm như thế này. Điều này khiến chúng tôi có ấn tương vô cùng sâu sắc. Tôi sẽ trở lại đây chừng nào tôi còn sống và còn sức.”

Đại tá Dương Minh Đức, nguyên phó Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội Việt Nam vẫn giữ mối liên hệ mật thiết với các trường đại học và cao đẳng của Trung Quốc, ngôi trường cũ ở Quế Lâm, Trung Quốc này luôn chiếm vị trí độc nhất vô nhị trong lòng ông. Đại tá Dương Minh Đức nói:

“Ai cũng có một tuổi thơ, tuổi thơ gắn liền với từng người một, tuổi thơ của chúng tôi chính gắn liền với thành phố này, vì ở đất nước Việt Nam lúc ấy đang chiến tranh nước sôi lửa bỏng, nên tình cảm của chúng tôi với nơi này có một không hai. Sau này tôi là nghệ sĩ, tôi đi biểu diễn ở rất nhiều nước trên thế giới, có thể nói là một đất nước rất thân với Việt Nam như là Nga, nhưng vẫn không thể có tình cảm sâu đậm như với Quế Lâm bởi tôi đã học ở đây từ khi còn nhỏ, sau này lớn lên mới sang Nga học. Chính vì thế tôi có tình cảm vô cùng sâu đậm với Quế Lâm”

Đại tá Dương Minh Đức sau này đã đào tạo rất nhiều học sinh xuất sắc cho Việt Nam, mấy năm trước ông đã đưa học trò yêu quý của mình là Đỗ Thị Thanh Hoa đến đây,  để học sinh của mình đi thăm những nơi thầy sinh sống, cảm nhận tình cảm của thầy đối với Trung Quốc. Đại tá Dương Minh Đức nói:

"Sau khi đưa Hoa đến Trung Quốc, tôi đổi tên cho em một cái tên giống Trung Quốc hơn là Đỗ Tố Hoa. Đến Trung Quốc học tập rất hợp với Hoa. Tố Hoa học ở đây, phát triển rất nhanh, sau khi tốt nghiệp, em đến Bắc Kinh tiếp tục học chuyên sâu, trong thời gian học em cũng nhận được lời mời của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc thường xuyên biểu diễn cho lãnh đạo cấp cao hai nước, tham gia các chương trình truyền hình nổi tiếng của CCTV. Em gần như là một đại sứ văn hóa của hai nước và là nhân chứng cho tình hữu nghị Việt-Trung. Tôi biết hát các bài hát Trung Quốc cũng là người chứng kiến tình hữu nghị Việt Trung, có thể nói, quãng thời gian học tập tại Trung Quốc chính là sự kế thừa tình thầy trò trong những năm tháng khác nhau.”

Lịch sử trường Dục Tài Quế Lâm tuy đã cách xa, nhưng những thanh niên Việt Nam như Thanh Hoa đã theo dấu chân của lớp người đi trước đến Quế Lâm, đến Trung Quốc du lịch, học tập và sinh hoạt, nối tiếp tình hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân Việt Nam và Trung Quốc. Như ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Phó Thủ tướng Việt Nam trong niềm tự hào và xúc động đã viết tặng Nhà kỷ niệm các Trường học Việt Nam tại TP. Quế Lâm: “Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng ngàn năm, là đồng chí trăm năm. Việt Nam và Trung Quốc chung một mặt trời, chung một mặt trăng, chung một dòng sông, chung một đại dương. Láng giềng hữu nghị, ngàn năm hạnh phúc ."

Bài văn liên quan