> vietnamese > Tin tức > Quảng Tây > Trung tâm hội viên
Sứ mệnh Thường Nga-6 sẽ đưa hiểu biết của nhân loại về Mặt Trăng lên mức độ cao hơn
 Mới nhất:2024-06-17 17:31:40   Số lần đã xem:0 Nguồn gốc:CMG

Ngày 4/6 vừa qua, tàu vũ trụ Thường Nga-6 của Trung Quốc đã rời bề mặt Mặt Trăng, mang theo các mẫu vật thu thập được từ phần tối của hành tinh này. Nếu nhiệm vụ thành công, tàu vũ trụ sẽ mang theo các mẫu vật quý giá trở về Trái Đất trên một khoang chứa đặc biệt - nơi chúng được bảo quản trong điều kiện đặc biệt để giữ nguyên trạng thái ban đầu tốt nhất có thể. Sứ mệnh Thường Nga-6 thu hút sự quan tâm theo dõi của không chỉ các nhà khoa học mà còn cả dư luận quốc tế, đặc biệt là những người yêu thích lĩnh vực hàng không vũ trụ trên toàn thế giới.

Trao đổi với Đài chúng tôi, Thạc sĩ Phạm Vũ Lộc (sinh năm 1990 tại Hà Nội, hiện đang giảng dạy về Thiên văn học tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) cho rằng, đây là một thành tựu mới của dự án thám hiểm Mặt Trăng của nhân loại nói chung, đưa hiểu biết của chúng ta về Mặt Trăng lên một mức độ cao hơn.

Anh Phạm Vũ Lộc cho biết, một trong những nhiệm vụ khó khăn mà con người chưa thực hiện được là thám hiểm mặt sau của Mặt Trăng. Sở dĩ gọi là mặt sau là vì Mặt Trăng bị Trái Đất khóa thủy triều từ lâu, nên dù tròn hay khuyết thì lúc nào hành tinh này cũng quay một mặt về phía Trái Đất. Loài người chỉ bắt đầu biết được những thông tin đầu tiên về mặt sau Mặt Trăng vào năm 1959 khi lần đầu tiên chụp ảnh được.

\

\

Thạc sĩ Phạm Vũ Lộc, nghiên cứu viên Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam

Sau đó, đã có nhiều tàu thám hiểm chụp ảnh và thăm dò bề mặt này, nhưng chưa có tàu nào có thể hạ cánh mềm lên đó vì lý do đơn giản là nó nằm khuất sau Mặt Trăng nên cần một vệ tinh chuyển tiếp ở đằng sau duy trì liên lạc với Trái Đất. Nhiệm vụ này đã được hiện thực hóa vào năm 2019 khi tàu vũ trụ Thường Nga-4 hạ cánh mềm thành công lên mặt sau của Mặt Trăng mang theo xe thăm dò Ngọc Thố-2.

Việc thu thập mẫu vật và mang trở về Trái Đất cũng là một thách thức. Cất cánh từ bề mặt Mặt Trăng so với từ Trái Đất, nơi có đầy đủ hệ thống bệ phóng và trang thiết bị hỗ trợ, rõ ràng là khó khăn hơn nhiều. Nhiệm vụ đó đã được tàu Thường Nga-5 hoàn thành vào năm 2020 bằng việc mang trở về thành công 1,731 kg mẫu vật Mặt Trăng. Đó cũng là lần đầu tiên sau gần 40 năm, loài người lại mang được mẫu vật từ Mặt Trăng về.

Ngày 2/6, sau gần 1 tháng kể từ khi được phóng, tàu Thường Nga-6 đã hạ cánh thành công xuống mặt sau của Mặt Trăng. Sau hai ngày thu thập mẫu vật, tàu đã cất cánh thành công quay trở lại tàu quỹ đạo và dự kiến sẽ trở về Trái Đất trong tuần tới.


“Đây là một thành tựu mới của dự án thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc nói riêng cũng như của nhân loại nói chung. Trung Quốc đang từng bước tiến tới các cột mốc cao hơn của công cuộc khám phá vũ trụ mà phi vụ Thường Nga-6 này là một bước tiến mới nhất. Mẫu vật thu thập được ở mặt sau Mặt Trăng có thể hé lộ cho chúng ta biết nhiều hơn về cấu tạo địa chất, lịch sử hình thành và các đặc trưng địa lý của Mặt Trăng,” Thạc sĩ Phạm Vũ Lộc nói.

Học giả Việt Nam cũng đánh giá, thành tựu này là một minh chứng mới nhất về năng lực khoa học công nghệ của Trung Quốc. Kể từ đầu thế kỷ 21, Trung Quốc đã liên tiếp đạt được các thành tựu về công nghệ vũ trụ, có thể kể đến một số ví dụ như chương trình Thần Châu đưa người lên vũ trụ, chương trình Thiên Cung xây dựng trạm vũ trụ, chương trình Thiên Vấn thám hiểm các hành tinh và chương trình Thường Nga thám hiểm Mặt Trăng.

“Không chỉ phát triển công nghệ vũ trụ toàn diện, đa mục tiêu, Trung Quốc còn hướng tới các nhiệm vụ mà loài người chưa từng làm được như nhiệm vụ của tàu Thường Nga 6 lần này. Điều này cho thấy năng lực khoa học công nghệ của Trung Quốc không hề thua kém các cường quốc công nghệ khác trên thế giới,” anh nói.

Trong tương gần Trung Quốc sẽ còn thực hiện thêm các sứ mệnh Thường Nga-7 và Thường Nga-8. Thường Nga-7 là phi vụ thám hiểm cực Nam Mặt Trăng để thăm dò tài nguyên, trong đó có mang theo một tàu thăm dò có thể bay. Thường Nga 8 sẽ có nhiệm vụ tìm hiểu khả năng sử dụng tài nguyên tại chỗ trên Mặt Trăng để hướng tới xây dựng một trạm nghiên cứu để đưa người lên sống và làm việc trên Mặt Trăng vào cuối thập kỷ này.

“Đây đều là các nhiệm vụ mới mẻ và táo bạo, được hoạch định từ lâu và sẽ dần dần được thực thi. Với hiệu quả và thành công của các phi vụ Thường Nga trước, tôi tin rằng các phi vụ Thường Nga tới đây cũng sẽ thành công và tiếp tục lập thêm các kỷ lục nữa của loài người trong công cuộc khám phá và chinh phục vũ trụ,” học giả Việt Nam kỳ vọng.

Thạc sĩ Phạm Vũ Lộc cũng đánh giá cao tiềm năng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ và khám phá không gian. Anh cho rằng các nước xuất phát sau cũng có thể đóng góp tích cực vào công cuộc này, với Trung Quốc là một ví dụ điển hình.

Công nghệ vũ trụ là một trong những công nghệ tiên tiến nhất, tinh vi nhất trong lịch sử phát triển của loài người. Trong khi vũ trụ là một không gian phi quốc gia, dành chung cho cả thế giới thì sự phát triển của công nghệ vũ trụ cũng không thể chỉ dựa vào một quốc gia, một dân tộc đơn lẻ nào.

“Mỗi thành tựu của nó đều đến từ kinh nghiệm cả thành công lẫn thất bại của những nhiệm vụ đi trước. Vì vậy, xu thế hợp tác cùng phát triển trong công nghệ vũ trụ là điều tất yếu,” học giả trẻ nhìn nhận.