> vietnamese > Tin tức > Quảng Tây > Trung tâm hội viên
Đỗ Kiều - Quê hương kính mắt của Trung Quốc
 Mới nhất:2024-07-23 18:20:00   Số lần đã xem:0 Nguồn gốc:CMG

Mỗi năm cả trăm triệu kính mắt từ địa phương này xuất đi khắp nơi trên thế giới, số việc làm liên quan đến kính mắt chiếm 1/5 dân số toàn thị trấn. Đây chính là thị trấn Đỗ Kiều, thành phố Lâm Hải, tỉnh Chiết Giang được tôn vinh là "Quê hương kính Trung Quốc". Khác với thị trấn Bạch Thủy Dương phát triển con đường làm giàu nhờ tận dụng lợi thế về thiên nhiên và nghề truyền thống, thị trấn Đỗ Kiều tìm ra con đường làm giàu nhờ vào sự nỗ lực và đổi mới công nghệ.

Có thể nói từ những năm 70 của thế kỷ trước, người dân Đỗ Kiều có một nghề rất thịnh hành là nghề bán kính dạo. Rồi dần ngày càng nhiều nhà máy nhỏ kiểu xưởng gia đình xuất hiện, sản nghiệp kính mắt của thị trấn Đỗ Kiều bắt đầu nảy mầm.

Tuy nhiên, trong một thời gian dài, cho dù được mệnh danh là quê hương ngành kính Trung Quốc, ngành công nghiệp kính Đỗ Kiều tồn tại tình trạng "nhỏ và phân tán", ở cuối chuỗi công nghiệp, chuỗi giá thị trường thấp, giá trị gia tăng kinh tế của sản phẩm thấp, những yếu tố này hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp kính Đỗ Kiều lên hàng trung và cao cấp, đối mặt với nguy cơ bị đào thải khỏi ngành kính.

Thế nên ngay từ năm 2020, chính quyền thành phố Lâm Hải đã đề xuất một loạt biện pháp kiến nghị thúc đẩy quốc tế hóa kính Đỗ Kiều. Theo đó, chính quyền thành phố Lâm Hải đã đẩy nhanh việc nâng cấp tối ưu hóa ngành kính, nâng cao toàn diện năng lực sáng tạo, sản xuất thông minh và phát triển xanh, đẩy nhanh cải tạo điểm công nghiệp cũ và xây dựng khu sáng tạo doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thúc đẩy bố cục cụm công nghiệp kính; phát triển tập trung, tăng cường phát triển vật liệu mới và nâng cao kỹ thuật công nghệ sản xuất quan trọng để nâng cao toàn diện thương hiệu và sức cạnh tranh thị trường của ngành kính.

Chính quyền thành phố cũng thực hiện các dịch vụ và quản lý giống như trung tâm mua sắm; đồng thời trang bị trung tâm thử nghiệm và chứng nhận, phòng dịch vụ, khu vực nghỉ ngơi của khách hàng, v.v., tổng diện tích xây dựng khoảng 176.000 mét vuông với tên gọi là thành phố kính Đỗ Kiều. Ban lãnh đạo thành phố Kính Đỗ Kiều cũng đặt mục tiêu xây dựng một trung tâm bán buôn kính toàn cầu, trung tâm thương mại kính quốc gia, trung tâm thương mại điện tử kính quốc gia và trung tâm triển lãm du lịch và văn hóa kính. Ông Diệp Lễ Kinh - phó Tổng giám đốc thành phố kính Đỗ Kiều cho biết:“Thành phố kính Đỗ Kiều là một danh thiếp cũng như là một nền tảng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cửa hàng kính của địa phương. Hiện trong thành phố kính có khoảng 300 cửa hàng đại diện cho rất nhiều thương hiệu kính của thành phố. Tại đây, khách hàng có thể tìm được mọi thứ liên quan đến kính như gọng kính, mắt kính, các loại kính và các phụ kiện liên quan đến kính”.

Với sự dẫn dắt của chính quyền địa phương, nhiều doanh nghiệp kính mắt Đỗ Kiều đã đẩy mạnh đổi mới, nâng cao tự động hóa sản xuất và trình độ công nghệ. Điều này không chỉ thúc đẩy kính Đỗ Kiều có mặt tại khắp các địa phương ở Trung Quốc mà còn vươn tới nhiều trên thế giới. Ông Lương Phúc Thanh, Chủ tịch một công ty kính tại thị trấn Đỗ Kiều cho biết:“Chúng tôi xuất khẩu tương đối nhiều, sản phẩm của chúng tôi xuất khẩu đến Nga, rồi cả Việt Nam cũng có sản phẩm của chúng tôi. Chúng tôi có nhà máy sản xuất kính kể cả mắt kính, nên chúng tôi có ưu thế về thương hiệu, khách hàng đặt hàng là chúng tôi có thể sắp xếp để vận chuyển, hoặc khách hàng cũng có thể đưa mẫu thiết kế và tên thương hiệu để ủy quyền chúng tôi gia công”.

Hiện nay, thị trấn Đỗ Kiều có hơn 1.300 cơ sở sản xuất kính, kim ngạch giao dịch hàng năm có thể đạt 2,3 tỷ nhân dân tệ, đưa ngành kính trở thành ngành trụ cột của địa phương. Sự phát triển chất lượng cao, nhanh chóng của ngành kính Đỗ Kiều trong vài năm qua cho thấy, ngành công nghiệp kính Đỗ Kiều đã chuyển từ "sản xuất" sang "sản xuất thông minh", chất lượng công nghiệp và năng lực cạnh tranh cốt lõi tiếp tục được cải thiện, thể hiện được quan điểm phát triển chất lượng cao của Trung Quốc.