> vietnamese > TQ-ASEAN > ASEAN > Trung tâm hội viên
Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đi vào chiều sâu, hướng tới thực chất
 Mới nhất:2024-08-27 17:45:47   Số lần đã xem:0 Nguồn gốc:CMG

Từ ngày 18 đến ngày 20/8 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc. Nhân dịp này, Đài chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Đặng Thị Thuý Hà - công tác tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) để làm rõ một số ý nghĩa, kết quả của chuyến thăm cũng như về triển vọng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.

TS. Đặng Thị Thuý Hà cho biết, chuyến thăm Trung Quốc vừa qua của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm nay, có ý nghĩa to lớn đối với xu thế phát triển của quan hệ hai Đảng, hai nước trong thời gian tới. Chuyến thăm lần này thể hiện sự coi trọng, ưu tiên hàng đầu của cả hai bên trong việc củng cố và phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.

\

Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm và Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vẫy tay chào các cháu thiếu nhi trong lễ đón ngày 19/8

“Chuyến thăm không chỉ duy trì trao đổi chiến lược cấp cao, định hướng cho sự phát triển của quan hệ song phương trong giai đoạn mới, mà còn thể hiện sự tiếp nối truyền thống hữu nghị và phát huy xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt – Trung sau các chuyến thăm mang tính lịch sử, mở ra giai đoạn phát triển mới của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước thời gian qua,” nữ học giả Việt Nam đánh giá.

Với 16 văn kiện trong các lĩnh vực được ký kết, hai bên đã đạt được sự thống nhất về những phương hướng, biện pháp nhằm cụ thể hóa, hướng tới xây dựng hiệu quả Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược theo định hướng “6 hơn” đã được hai bên nhất trí.

Các hoạt động ngoại giao tiếp tục duy trì sự sôi động, làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Vai trò của kênh Đảng và các cơ chế hợp tác được phát huy đầy đủ. Hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng - an ninh được tăng cường. Biên giới trên đất liền được quản lý tốt, xử lý ổn thỏa các vụ việc tồn đọng hoặc nảy sinh ở biên giới theo đúng các văn kiện, thỏa thuận giữa hai bên.

Theo TS. Đặng Thị Thuý Hà, trong thời gian tới đây, kết nối hạ tầng giao thông sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt là đường sắt. Ba tuyến đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc gồm: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, được ưu tiên thúc đẩy triển khai. Việc nâng cấp hạ tầng cửa khẩu và xây dựng cửa khẩu thông minh, mở một số đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa, sẽ làm tăng hiệu suất thông quan, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai bên.

“Xuất khẩu nông sản sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Những cam kết cụ thể đối với một số mặt hàng nông sản xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc như dừa tươi, sầu riêng đông sẽ góp phần thúc đẩy trao đổi kinh tế giữa hai nước tiếp tục ngày càng sâu rộng và thực chất hơn. Cùng với sự tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại nông nghiệp, đầu tư và hợp tác công nghệ nông nghiệp, hợp tác nông nghiệp giữa hai bên sẽ có những bước tiến xa hơn. Đồng thời, hai bên tận dụng những ưu đãi từ các hiệp định song phương và đa phương như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Quốc trong thời gian tới sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông sản, dệt may và sản phẩm điện tử,” nữ học giả chỉ ra.

Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam cũng có triển vọng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Chính phủ Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào các dự án lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, kết cấu hạ tầng, năng lượng sạch, kinh tế số, phát triển xanh. Các lĩnh vực công nghệ, điện - điện tử, chế biến, chế tạo, hạ tầng cơ sở, năng lượng tái tạo, xe điện... sẽ thu hút đầu tư của các tập đoàn Trung Quốc có quy mô quốc tế.

TS. Đặng Thị Thuý Hà cũng cho rằng, lĩnh vực giao lưu nhân dân và hợp tác văn hóa, giáo dục, du lịch sẽ được tăng cường. Với việc xác định năm 2025 là “Năm giao lưu nhân văn Việt - Trung”, các hoạt động giao lưu trao đổi qua các kênh Đảng, Nhà nước, thanh niên, địa phương... sẽ diễn ra sôi nổi hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc. Việc tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, thúc đẩy các dự án hợp tác phát triển trong lĩnh vực xã hội và dân sinh.... sẽ góp phần củng cố nền tảng xã hội vững chắc hơn cho quan hệ hai nước trong thời gian tới.

“Sau chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai bên ngày càng đi vào chiều sâu, hướng tới thực chất, đồng thời mở ra các lĩnh vực hợp tác mới trong tương lai,” học giả Việt Nam nhận định.