> vietnamese > TQ-ASEAN > ASEAN > Trung tâm hội viên
Thương mại rau quả Việt – Trung 2024: Tăng trưởng vượt bậc
 Mới nhất:2025-01-06 22:47:50   Số lần đã xem:0 Nguồn gốc:CMG

Năm 2024, xuất khẩu rau quả Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc. Tính đến hết tháng 11/2024, xuất khẩu đạt 6,62 tỷ USD, tăng tới 27,4% so với cùng kỳ năm trước và vượt xa kết quả cả năm 2023. Theo dự báo của các chuyên gia trong ngành, xuất khẩu rau quả cả năm 2024 sẽ mang về cho Việt Nam trên 7 tỷ USD – kỷ lục chưa từng có trong lịch sử ngành rau quả của quốc gia Đông Nam Á này.

Trả lời phỏng vấn của Đài chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết: Nguyên nhân đằng sau đà tăng trưởng vượt bậc này là do năm qua, diện tích và sản lượng rau quả của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng và ổn định. Chất lượng rau quả có nhiều cải thiện đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu.

“Các thị trường nhập khẩu rau quả truyền thống của Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc, có mức tăng trưởng cao. Nhiều sản phẩm trái cây chủ lực của Việt Nam được thêm vào danh mục được phép nhập khẩu của các thị trường lớn,” ông Nguyễn Thanh Bình nhận định.

\

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam phát biểu trong Lễ hội trái cây Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc (9/2024)

Theo vị chuyên gia, thị trường Trung Quốc tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong kết quả nói trên.

“Trung Quốc luôn là thị trường đứng đầu trong danh sách 10 thị trường nhập khẩu rau quả hàng đầu của Việt nam. Sau 11 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng  4,3 tỷ USD, tăng 27,4 % so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 65,5% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam,” ông Nguyễn Thanh Bình chỉ ra.

Theo số liệu thống kê của hiệp hội, sầu riêng là mặt hàng có đóng góp nhiều nhất cho sự tăng trưởng của rau quả Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Những trái sầu riêng Việt Nam với vị ngọt đậm đà, béo ngậy, chín mềm, rất được người tiêu dùng xứ tỷ dân yêu thích. Đặc biệt, nguồn cung dồi dào quanh năm và thời gian vận chuyển nhanh chóng giúp sầu riêng Việt Nam có giá thành cạnh tranh hơn so với các nước khác.

Bên cạnh đó, năm 2024 cũng diễn ra nhiều sự kiện có ý nghĩa quan trọng với ngành rau quả Việt Nam. Nổi bật là việc hai nước đã ký hiệp định về xuất khẩu Dừa và Sầu riêng đông lạnh (8/2024). Tiếp đó, vào tháng 9/2024, lần đầu tiên Lễ hội Trái cây Việt Nam được tổ chức tại Bắc Kinh. Những sự kiện này không chỉ thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc, mà còn có tác dụng to lớn với việc quảng bá thương hiệu quốc gia Việt Nam, giúp sản phẩm rau quả Việt Nam tiếp cận được người tiêu dùng tại các cụm thị trường khó tính nhất.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, thời gian qua đã có nhiều thuận lợi hơn trong thương mại rau quả giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cụ thể, nhiều sản phẩm trái cây chủ lực của Việt Nam tiếp tục được cấp phép nhập khẩu vào Trung Quốc dưới dạng chính ngạch. Thông tin giữa từ các cơ quan quản lý nhà nước đến các doanh nghiệp hai bên được thông suốt và nhanh chóng hơn, thủ tục hải quan thuận tiện hơn, tốn ít thời gian hơn.  Cùng đó, các hiệp định thương mại (FTA) giữa Việt Nam và Trung Quốc giúp giảm thuế và tạo điều kiện thuận lợi cho rau quả Việt xuất khẩu.

Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều hiệp định song phương được ký kết trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là về thương mại như: Hiệp Định Thương mại biên giới Việt - Trung, Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam và Trung Quốc; Hiệp định Việt Nam - Trung Hoa về đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và công nhận lẫn nhau… Ngoài ra, hai nước còn có mối quan hệ thương mại đa phương tại Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây là cơ sở đảm bảo xuất xứ, chất lượng hàng hoá, đồng thời còn mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường.

“Tiềm năng hợp tác thương mại rau quả giữa Việt Nam và Trung quốc còn rất lớn, do Việt Nam là nước có nhiều ưu thế và tiềm năng to lớn về sản xuất rau quả trong khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu rau quả hàng đầu thế giới. Hai nước có thể gia tăng nhiều hơn nữa các hoạt động thương mại trong lĩnh vực này trong tương lai,” đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam khẳng định.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng, hiện nay vẫn còn một số khó khăn liên quan đến thủ tục đăng ký và cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cho các doanh nghiệp Việt Nam. Những thủ tục này vẫn phức tạp và mất nhiều thời gian, chưa đáp ứng kịp sự phát triển và nhu cầu của người sản xuất và cơ sở chế biến của Việt Nam (tỷ lệ mã số đã cấp rất nhỏ so với diện tích sản xuất cũng như số cơ sở đang hoạt động tại Việt Nam).

“Chúng tôi mong rằng cơ quan chức năng hai nước sẽ đẩy nhanh tốc độ xét cấp thêm mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói rau quả của Việt Nam để khai thác tối đa những tiềm năng thương mại của Việt Nam và Trung Quốc,” vị chuyên gia kiến nghị.

Liên quan đến các doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng hai bên cần hợp tác chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc các quy định của hai chính phủ để môi trường kinh doanh lành mạnh hơn, bảo vệ tốt hơn các quyền lợi của doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp hai nước cũng cần chủ động mở rộng các hình thức hợp tác, liên kết cùng kinh doanh cùng chia sẻ lợi ích./.

Phóng viên: Thanh Xuân  

Nguồn: CMG