> vietnamese > Tin tức > Quảng Tây > Trung tâm hội viên
Những chiếc đèn lồng dệt nên sắc màu văn hoá Trung Hoa
 Mới nhất:2020-01-08 18:44:59   Số lần đã xem:0 Nguồn gốc:CRI

Ở Trung Quốc, đèn lồng đỏ là biểu tượng của sự vui mừng. Nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, ngày tết cổ truyền quan trọng nhất của người Trung Quốc, tất nhiên không thiếu được đèn lồng. Riêng ở Bắc Kinh, các con phố chính đều được trang trí đèn lồng đỏ vào các ngày lễ tết. Đèn lồng là một trong những biểu tượng của văn hóa Trung Quốc. Bạn Tiến Phạm, lưu học sinh Việt Nam tại Đại học Ngôn Ngữ Bắc Kinh giới thiệu một cách chi tiết về “Những chiếc đèn lồng dệt nên sắc màu văn hoá Trung Hoa”.Trong chương trình hôm nay, Mẫn Linh xin trân trọng giới thiệu với các bạn bài viết này.

Câu chuyện cổ tích mang tên “đèn lồng Trung Hoa”:

Đèn lồng là một trong những hình ảnh đặc trưng trong các dịp lễ hội ở Trung Quốc và nhiều quốc gia châu Á. Chúng không chỉ thể hiện tài năng thẩm mỹ, mà còn mang ý nghĩa tượng trưng cho không khí lễ hội và sự đoàn tụ.

Đèn lồng Trung Hoa, còn gọi là đèn lồng màu, xuất hiện từ khoảng 1800 năm trước, vào thời Tây Hán. Hàng năm, lễ hội Đèn lồng thường rơi vào ngày Rằm tháng Giêng Âm lịch, người ta treo những chiếc đèn lồng màu đỏ để tạo bầu không khí lễ hội, vì đó là một biểu tượng của sự đoàn tụ. Kể từ đó, đèn lồng Trung Quốc được sử dụng phổ biến trong hầu hết các dịp lễ hội trọng đại của người dân xứ sở này.

Đèn lồng Trung Quốc rất đa dạng về chủng loại, chẳng hạn như đèn lồng cung đình, đèn lồng vải, đèn lồng giấy và nhiều loại khác. Có nhiều loại hình ảnh trang trí trên đèn và được chia thành: họa tiết hình tượng, tranh phong cảnh, hoa và chim, hoa văn rồng phượng, cá và côn trùng. Ngoài ra, một loại đèn lồng khác làđèn lồng kéo quân với khả năng xoay tạo hình ảnh chuyển động cũng là một trong những sản phẩm thể hiện được sự khéo léo, óc sáng tạo và tinh tế của những người nghệ nhân Trung Quốc xưa.

Thiết kế truyền thống nhất của đèn lồng là hình trái bí màu đỏ, đính tua vàng. Đôi khi là hình vuông. Các vật liệu được sử dụng để làm đèn lồng Trung Quốc cũng rất đa dạng. Thông thường, khung đèn được làm từ tre, gỗ, mây và sợi thép. Vải bọc được làm từ lụa hay giấy. Cách thức trang trí sẽ phù hợp tùy theo chất liệu như: thư pháp, sơn, thêu ren và họa tiết cắt giấy.

Ngoài việc được sử dụng để thắp sáng và tạo bầu không khí vui tươi của lễ hội vào ban đêm, đèn lồng Trung Quốc cũng mang ý nghĩa tượng trưng: đèn lồng được sử dụng tại đám cưới (đèn lồng cung đình) là biểu tượng sự vui vẻ, trong khi những chiếc đèn lồng nẹp tre màu trắng gợi nên sự trầm lắng lại là biểu tượng cho không khí u uất của những buổi tang lễ.

Thời cổ đại, khi học kỳ mới bắt đầu vào tháng Giêng hàng năm, cha mẹ sẽ chuẩn bị một chiếc đèn lồng cho con đem đến lớp, và thầy dạy sẽ là người thắp sáng những chiếc đèn này, tục lệ này tượng trưng cho một tương lai tươi sáng trong năm tới. Nghi thức thắp đèn sau đó đã phát triển thành tập quán trong lễ hội Đèn lồng ở nhiều nơi tại Trung Quốc.

Rộn rã những lễ hội đèn lồng giữa lòng phố thị

Tục ngắm đèn lồng bắt nguồn từ những năm đầu triều nhà Hán. Trong thời Khai Nguyên đời Đường, người dân làm ra những chiếc đèn với hình dạng một con rồng, với đèn nhấp nháy để kỷ niệm hòa bình và thịnh vượng. Kể từ đó, văn hóa đèn lồng trở thành phổ biến.

Khi Chu Nguyên Chương của nhà Minh dời đô đến Nam Kinh, hàng chục ngàn chiếc đèn lồng được thả dọc theo sông Tần Hoài. Ngày nay, vẫn có một con đường mang tên Đăng Thị Khẩu (chợ lồng đèn) ở Bắc Kinh

Một trong những hoạt động sôi nổi nhất dịp đầu năm của người dân Trung Hoa vào rằm tháng Giêng hàng năm là lễ hội đèn lồng đỏ diễn ra tại nhiều nơi. Lễ hội này có nguồn gốc từ thời nhà Hán. Tại lễ hội, có vô số đèn lồng với đủ các kiểu dáng, kích thước, sắc màu được trưng bày. Ngoài ra còn có các màn trình diễn đèn lồng, hoạt động múa rồng và biểu diễn kinh kịch. Đây được xem là sự kiện được chờ đợi nhất trong dịp đầu năm âm lịch của người Trung Quốc, đánh dấu ngày cuối cùng của mùa lễ hội mừng năm mới.

Có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc của lễ hội Đèn lồng. Phổ biến nhất là câu chuyện sau, Hán Minh Đế là một Phật tử mộ đạo. Theo ông, việc thắp sáng đèn lồng là truyền thống thể hiện lòng kính ngưỡng Phật vào ngày Rằm tháng Giêng âm lịch. Để phổ biến Phật giáo, Hán Minh Đế ra lệnh rằng bên cạnh cung điện và đền thờ, tất cả thần dân của mình đều phải thắp đèn lồng vào đêm Rằm tháng Giêng. Dần dần, nghi lễ Phật giáo này đã trở thành một lễ hội phổ biến.

Nguồn gốc của chiếc đèn lồng cung điện được kể như sau. Vào thời Ung Chính triều nhà Thanh, một ông lão sống tại Hà Bắc làm đèn lồng rất khéo tay. Một hôm, ông làm rất nhiều đèn lồng và bán chúng trong khu chợ tại Cảo Thành. Ngày nọ, một vị đại thần đang rảo bước trên phố, tình cờ trông thấy những chiếc đèn lồng. Ông rất đỗi thích thú nên đã mua toàn bộ số đèn.

Những chiếc đèn lồng dưới bàn tay tinh tế của ông lão, trở nên rất độc đáo và tuyệt mỹ. Vị quan coi chúng như báu vật. Năm đó cũng trùng vào dịp dâng cống vật cho nhà vua, vì thế ông đành miễn cưỡng mang một số đèn lồng dâng lên hoàng thượng. Hoàng đế đã vô cùng thích thú khi nhìn thấy cống vật. Ngoài việc khen thưởng hậu hĩnh cho vị quan nọ, nhà vua ra lệnh treo đèn khắp cung điện, và chúng chính thức được sử dụng riêng cho cung đình. Vì vậy còn gọi là đèn lồng cung đình.

Ngày nay có thể kể đến một vài lễ hội đèn lồng nổi tiếng ở các tỉnh thành của Trung Quốc như: Lễ hội đèn lồng trên sông Tần Hoài đã có từ hơn 1.000 năm trước. Phong cách hiện đại được đưa vào lễ hội bắt đầu từ năm 1985. Đây là một trong những lễ hội văn hóa dân gian diễn ra thường niên ở Nam Kinh cổ kính. Hay lễ hội đèn lồng Tự Cống mang đậm nét truyền thống từ triều đại nhà Đường (năm 618 – 907 sau công nguyên), một trong những di sản văn hóa phi vật thể của Trung Quốc. Kỹ thuật và thiết kế đèn lồng ở đây được các chuyên gia đánh giá là có tính nghệ thuật cao. Lễ hội nổi tiếng với nhiều kiểu đèn lồng được thiết kế rất đặc biệt. Lễ hội đèn lồng ở tỉnh Liêu Ninh, Thẩm Dương bắt đầu có vào cuối thời đời nhà Thanh (năm 1644 – 1911).

Đèn lồng Trung Hoa ngày nay

Trung Quốc là quốc gia có nền văn hoá gắn liền với đèn lồng giấy từ lâu đời. Người dân quan niệm rằng đèn lồng xua đuổi ma quỷ và mang lại bình yên, hạnh phúc. Đèn lồng giấy Trung Quốc thường là màu đỏ, được treo trước cổng nhà, thắp về đêm và tắt khi người nhà đi ngủ. Nếu có tang, trước nhà sẽ thay đèn lồng đỏ thành trắng. Thời xưa, người dân ra đường vào buổi đêm thường cầm theo chiếc đèn lồng giấy. Đèn lồng thường được dùng thay thế biển hiệu buôn bán cho những quán rượu, hoặc treo hai bên các biển hiệu và trong nội thất. Đèn lồng là biểu trưng của các khu buôn bán, sinh sống của người Hoa không chỉ tại chính quốc mà còn trên toàn thế giới.

Mặc dù những chiếc đèn lồng Trung Quốc được sử dụng chủ yếu do yếu tố thẩm mỹ, chúng vẫn được kế thừa cho đến ngày nay. Như trong thời cổ đại, những chiếc đèn lồng là phương tiện thể hiện tính nghệ thuật, cả về chức năng, thiết kế và trang trí.

Trên những con đường tại khắp các thành phố lớn nhỏ ở Trung Quốc, những chiếc đèn lồng màu đỏ tạo nên bầu không khí lễ hội, đặc biệt là Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu và lễ hội Đèn lồng.

Những nơi tốt nhất để xem trưng bày đèn lồng truyền thống là Bắc Kinh, Hồng Kông và Nam Kinh. Tại Bắc Kinh, lễ hội Đền được tổ chức ở nhiều địa điểm khác nhau trên toàn thành phố, nơi những chiếc đèn lồng Trung Quốc có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi.

Sự khéo léo và đa tài của những người nghệ nhân Trung Hoa đúc kết bao đời được thể hiện qua từng sản phẩm đèn lồng trong những ngày lễ hội. Đèn lồng không chỉ rực rỡ trên khắp phố phường mà còn để lại nhiều dấu ấn khó quên trong các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng của Trung Quốc như bộ phim “Đèn lồng đỏ treo cao” của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Hình tượng những chiếc đèn lồng sẽ mãi khắc sâu trong tâm trí nhiều người về một đất nước Trung Hoa rực rỡ, sáng bừng và đầy niềm vui tươi hoan hỷ.

Bài văn liên quan

Hot Phát biểu bình luận