> vietnamese > Tin tức > Vịnh bắc bộ > Trung tâm hội viên
Bút chì thành ngành nghề lớn – phân xưởng xóa đói giảm nghèo ở thành phố Lục An tỉnh An Huy Trung Quốc tạo việc làm cho các hộ nghèo
 Mới nhất:2021-01-14 18:13:21   Số lần đã xem:0 Nguồn gốc:CRI

Mới sáng sớm, tại một nhà máy sản xuất bút chì ở làng Thập Tự Lộ, thị trấn Mã Đầu, quận Kim An, thành phố Lục An, tỉnh An Huy, Trung Quốc, máy móc đã nổ ran.

Chị Trần Miêu có mặt tại phân xưởng sản xuất sớm như mọi hôm, bắt đầu một ngày làm việc. Trần Miêu, nay là quản đốc phân xưởng sản xuất vỏ thân bút chì, vài năm trước là hộ nghèo đăng ký lập hồ sơ.

Trước kia, Trần Miêu và chồng làm công tại thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, hai vợ chồng đi sớm về tối, cần cù chăm chỉ, thu nhập 50-60 nghìn Nhân dân tệ/năm, cuộc sống không thể nói khá giả, nhưng cũng ổn. Năm 2013, một điều bất trắc ập đến, phá vỡ sự yên bình của gia đình này.

Trần Miêu cho biết, “Bố chồng tôi đến bệnh viện kiểm tra sức khoẻ, phát hiện mắc ung thư”. Trần Miêu và chồng đều xin nghỉ việc để trở về Lục An, chăm sóc ông cụ.

Chi phí khám chữa bệnh khiến hai vợ chồng bở hơi tai. Không ngờ chồng chị Trần Miêu lại gặp tai nạn giao thông. Tay bị gãy, không làm việc được, đành phải ở lại nhà.

Năm 2014, gia đình Trần Miêu được nhận dạng là hộ nghèo và cho đăng ký lập hồ sơ.

Có người giới thiệu với Trần Miêu rằng: “Một nhà máy bút chì ở làng bên tuyển lao động nghèo khó, tôi hiện đang làm việc ở đó, hay chị cũng đi làm thử?” Với tâm trạng thấp thỏm, Trần Miêu tìm đến nhà máy, sau cuộc phỏng vấn, chị được tuyển dụng và tham gia tập huấn tay nghề miễn phí, trở thành một thợ bào rãnh.

Phân xưởng tính thù lao theo sản lượng, làm nhiều được nhiều, Trần Miêu rất hăng hái, “lương tháng trung bình khoảng 2.400 Nhân dân tệ, tối làm thêm, một năm có thể thu nhập hơn 30 nghìn Nhân dân tệ”.

So sánh với làm thuê ở xa, Trần Miêu cho rằng, làm việc gần nhà, ngoài có thu nhập ổn định ra, ưu thế lớn nhất là tiện cho việc chăm sóc cha mẹ già và con cái. Trần Miêu cho biết, “nhà máy quản lý hết sức nhân văn. Cứ cách một thời gian là tôi có thể đến bệnh viện ở thành phố thăm ông cụ nằm viện”.

Năm 2015, gia đình Trần Miêu thoát nghèo thuận lợi. Do làm việc cần cù, thành tích xuất sắc, tháng 5/2016, Trần Miêu được bình chọn là nhân viên xuất sắc của nhà máy. Năm 2017, chị từ một thợ bào rãnh bình thường lên chức thành quản đốc phân xưởng sản xuất vỏ thân bút chì. Chị chia sẻ, “đây là điều nằm mơ cũng không dám nghĩ đến. Nhưng tôi có lòng tin làm tốt”.

Cuộc sống gia đình chị ngày một khá lên. Sau khi sức khoẻ bình phục, chồng chị trở lại làm vận tải, thu nhập hơn 60 nghìn Nhân dân tệ/năm.

Con đường thoát nghèo của Trần Miêu không phải trường hợp cá biệt. Năm 2011, trong những ngày đầu mới mở nhà máy, dưới sự hỗ trợ của Đảng ủy và chính quyền thị trấn, người phụ trách nhà máy Chu Hưng Gia đã tuyển dụng lao động có hoàn cảnh gia đình nghèo khó xung quanh vào nhà máy làm việc. Năm 2016, cũng dưới sự hỗ trợ của thị trấn, ông lần lượt mở 4 phân xưởng đóng gói xóa đói giảm nghèo. Ông Chu Gia Hưng cho biết: “Quy trình đóng gói bút chì đơn giản, người cao tuổi và người khuyết tật đều làm được”.

Nhà máy bút chì hiện đã khánh thành và đưa vào hoạt động 8 phân xưởng xóa đói giảm nghèo, thu hút hơn 260 lao động nghèo khó, trung bình mỗi người tăng thu nhập hơn 10 nghìn Nhân dân tệ/năm, trong đó có 148 người lần lượt thoát nghèo.

Bài văn liên quan

Hot Phát biểu bình luận