Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023 đang đến gần, trùng hợp cũng là thời điểm chính phủ Trung Quốc điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ra nước ngoài. Trong không khí đó, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng đang khẩn trương chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như dịch vụ tốt nhất đón chào du khách Trung Quốc.
Hiện Trung Quốc là một trong những thị trường khách quốc tế lớn nhất thế giới. Riêng với Việt Nam, thời điểm trước đại dịch COVID-19, Trung Quốc luôn là thị trường du lịch quốc tế lớn nhất, cả về inbound (đón khách quốc tế vào) và outbound (đưa khách ra nước ngoài). Năm 2019, Việt Nam đón 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc (với mức tăng ấn tượng là 17% so với 5,0 triệu năm 2018, và 4,0 triệu năm 2017), chiếm gần 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam, và số người dân Việt Nam đi du lịch Trung Quốc (đạt khoảng 4,5 triệu lượt) cũng đứng đầu danh sách khách outbound của Việt Nam. Việt Nam cũng luôn đứng trong top 5 thị trường gửi khách lớn nhất của Trung Quốc.
Theo PGS. TS Lưu Ngọc Trịnh, chuyên gia kinh tế, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, việc Trung Quốc đóng cửa gần như hoàn toàn trong 3 năm qua dưới tác động của đại dịch COVID-19 đã để lại khoảng trống khó lấp cho thị trường du lịch quốc tế đến Việt Nam. Năm 2022, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam chưa được như kỳ vọng, với con số hơn 3,6 triệu lượt, đạt 70% kế hoạch năm. Bên cạnh những nguyên nhân về tình hình kinh tế thế giới còn khó khăn, xung đột Nga – Ukraine,... thì việc thị trường du lịch Trung Quốc chưa mở cửa là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam thấp hơn kế hoạch.
PGS. TS Lưu Ngọc Trịnh, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trước đại dịch COVID-19 có gần 155 triệu lượt khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài với mức chi tiêu 255 tỷ USD. Với việc Trung Quốc mở cửa trở lại, “hầu hết các nước trong khu vực và thế giới hiện đang ráo riết chuẩn bị để có những biện pháp nhằm thu hút nhanh lượng khách quan trọng này. Việt Nam chắc chắn sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với các quốc gia đó để giành du khách Trung Quốc,” PGS. TS Lưu Ngọc Trịnh nhận định.
Việt Nam từ lâu đã là một trong những điểm đến quốc tế được du khách Trung Quốc yêu thích. Theo vị chuyên gia, Việt Nam có một số lợi thế nổi bật trong việc thu hút du khách nước bạn. Trước hết, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, là “hàng xóm, sát vách” của nhau, có thể giao lưu thuận tiện cả về đường bộ, đường biển và đường hàng không. Thứ hai, 2 nước vốn có quan hệ hữu nghị, truyền thống lâu đời, có nhiều điểm tương đồng về văn hóa và tập quán, và hiện nay quan hệ 2 nước về chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa... được chú trọng, củng cố, và hữu nghị. Và thứ ba, Việt Nam có nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, địa chỉ văn hóa,… hấp dẫn du khách, điều kiện du lịch (phương tiện đi lại, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng,…) ngày càng được cải thiện, sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, phong phú và phù hợp với giá cả phải chăng.
Vị chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra, mặc dù Trung Quốc là thị trường du lịch lớn, nhưng trong quá trình đón du khách Trung Quốc sang Việt Nam đã tồn tại một số vấn đề cần giải quyết. Thứ nhất, theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trước đây trong quá trình đón du khách Trung Quốc tại một số địa phương đã xuất hiện tour giá rẻ (thường gọi là tour 0 đồng), kinh doanh núp bóng, hướng dẫn viên là người nước ngoài, lừa đảo trong mua bán hàng hóa, các cửa hàng, khách sạn, công ty lữ hành chui,... đã làm cho việc đón và phục vụ khách Trung Quốc ở nhiều nơi lộn xộn, không quản lý được. Những việc làm trên đã gây bức xúc cho xã hội, làm ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch Việt Nam, gây thiệt hại cho ngành du lịch, cho hình ảnh đất nước. Thứ hai, một số Blogger du lịch Trung Quốc phàn nàn về thái độ thiếu thiện chí của người Việt Nam đối với du khách Trung Quốc. PGS. TS Lưu Ngọc Trịnh cho biết: “Tôi hoàn toàn thông hiểu và chia sẻ với những ý kiến này của các Blogger. Tuy nhiên, đây là vấn đề xuất phát từ cách hành xử của cả hai phía gây ra một số bức xúc, có liên quan tới nhiều lĩnh vực như lịch sử, chính trị, thương mại, du lịch,…”. Vị chuyên gia cho rằng, vấn đề này cần phải có sự vào cuộc giải quyết không chỉ ở người dân, các doanh nghiệp, các chính quyền địa phương hai nước, mà phải có sự vào cuộc của cả hai chính phủ.
Theo PGS. TS Lưu Ngọc Trịnh, để du lịch Việt Nam hấp dẫn hơn đối với du khách quốc tế nói chung, du khách Trung Quốc nói riêng, ngành du lịch Việt Nam cần sớm triển khai một số giải pháp, cần chuẩn bị những gì tốt nhất để đón đầu lượng du khách Trung Quốc, góp phần tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam. Cụ thể, vị chuyên gia kiến nghị, các cơ quan quản lý cần sớm thông báo chính sách visa, theo hướng đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh ở tất cả các cửa khẩu đường bộ, hàng không qua đó tạo môi trường du lịch lành mạnh, tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam. Ngoài ra, ngành hàng không cần sớm phục hồi mạng lưới những đường bay thường lệ, charter (bay trọn chuyến) từ Trung Quốc đến các thị trường Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc (Kiên Giang). Đồng thời các đơn vị, doanh nghiệp cần triển khai chiến dịch truyền thông hình ảnh, xúc tiến thị trường du lịch Việt Nam trên kênh mạng xã hội, nền tảng công nghệ thịnh hành ở Trung Quốc hiện nay như Weibo, Tik Tok, WeChat, QQ, Baidu,…
Đáng chú ý, PGS. TS Lưu Ngọc Trịnh cho rằng, Việt Nam cần xem xét cơ chế đặc thù với việc đón khách Trung Quốc tại các cửa khẩu, đồng thời thống nhất giải pháp đón khách cho các doanh nghiệp qua đó tránh tình trạng những tour “0 đồng” chất lượng kém, tour trốn thuế. Để làm được điều này đòi hỏi lực lượng chức năng thường xuyên thanh, kiểm tra các doanh nghiệp lữ hành về năng lực đón khách, qua đó không để tồn tại những doanh nghiệp trá hình, hoạt động chui không bảo đảm chất lượng phục vụ khách du lịch.
Trên thực tế, sau đại dịch COVID-19, nhiều thói quen và nhu cầu đi du lịch của du khách trên toàn thế giới đã thay đổi. Trong đó khách Trung Quốc cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng này. Do đó, Việt Nam cần đánh giá và xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với nhu cầu và tính chất đặc thù riêng của du khách Trung Quốc sau đại dịch. Các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam phải liên kết, hình thành các nhóm sản phẩm từ giá rẻ đến cao cấp để phục vụ mọi đối tượng du khách Trung Quốc. Đặc biệt đây có thể là thời điểm thích hợp để Việt Nam thay đổi lại phân khúc thị trường khách hướng tới chất lượng hơn, hiệu quả hơn. Ngành du lịch cần phối hợp với các địa phương với các ban, ngành khác như công an, văn hóa tuyên truyền giáo dục nhân viên du lịch, dân thường ở những nơi tiếp đón du khách nói chung, du khách Trung Quốc nói riêng, cần có thái độ vui vẻ, lịch sự, hiếu khách và văn hóa, đảm bảo an ninh an toàn cho du khách khi vào Việt Nam.
Vị chuyên gia cũng lưu ý, riêng ngành y tế cần có những hướng dẫn về cách phòng chống biến thể phụ XBB của Omicron qua đó ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho du khách cũng như người dân Việt Nam.
“Có thể nói, dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023 này sẽ là dịp hết sức thuận tiện mà cả hai nước cần tận dụng để tái khởi động và thúc đẩy hoạt động du lịch song phương Việt Nam-Trung Quốc sau 3 năm gián đoạn vì Đại dịch COVID-19. Dịp Tết cổ truyền này đều diễn ra cùng lúc ở cả hai nước, là dịp dân chúng cả 2 nước đều được nghỉ dài ngày, thuận tiện cho việc đi du lịch, nhất là sau gần 3 năm đóng cửa ở nhà,” PGS. TS Lưu Ngọc Trịnh nhấn mạnh.
- Trung Quốc ngày nay: Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023 – cơ hội tái khởi động du lịch s
- Bà Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước Việt Nam
- Khởi động hành động tuần tra và hành pháp chung lần thứ 125 trên sông Mê
- Các cựu học sinh Trường “67” Lào bày tỏ niềm xúc động nhớ nhung về tìn
- Việt Nam hoan nghênh Trung Quốc ưu hóa các biện pháp phòng chống dịch Covid-19
- Trung Quốc mở cửa từ 8/1, du học sinh Việt Nam hân hoan
Video tốt nhất
Bài văn liên quan
- Trung Quốc ngày nay: Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023 – cơ hội tái khởi động du lịch song phương Việt Nam-Trung Quốc
- Bà Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước Việt Nam
- Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc hội đàm với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen
- Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình giao lưu trực tuyến với người cao tuổi và nhân viên điều dưỡng hộ lý ở viện dưỡng lão, căn dặn nhất định để người cao tuổi hạnh phúc trong những năm tháng cuối đời
- Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình hỏi thăm cán bộ quần chúng cơ sở qua hình thức trực tuyến trước Tết Nguyên đán
- Bộ Ngoại giao Trung Quốc: Kinh tế Trung Quốc trong năm mới chắc chắn sẽ đóng góp to lớn hơn cho kinh tế thế giới
- Động thái mới kinh tế dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 Trung Quốc
- Loại nấm làm giàu trên cao nguyên
- Công bố Sách trắng “Phát triển xanh của Trung Quốc trong thời đại mới” – Trình bày quan niệm cốt lõi trong phát triển xanh của Trung Quốc
- Giới thiệu kế hoạch phóng tàu vũ trũ Trung Quốc năm 2023: Cả năm sẽ thực hiện gần 70 lần phóng, bao gồm 2 tàu vũ trụ chở người
Hot Phát biểu bình luận
- Đoàn tàu cao tốc Phục Hưng khu vực núi cao, lạnh giá chạy thử trên tuyến đường sắt cao tốc ở cực Đông của Trung Quốc
- Tổng thống Ga-bông Bông-gô tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương
- Trung Quốc công bố “Danh mục quản lý trọng điểm đối với những giống loài ngoại lai ”
- Nhiều cơ quan ban ngành Thái Lan tổ chức lễ đón du khách Trung Quốc tại sân bay
- Các giới Hồng Công tổ chức hoạt động kỷ niệm 25 năm Hồng Công trở về Tổ quốc
- Lượng sản xuất và tiêu thụ ô tô của Trung Quốc liên tục 14 năm đứng đầu thế giới
- Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 8 diễn ra tại Viêng Chăn Lào
- Cửa khẩu Hữu Nghị Quan: Các sản phẩm như hoa quả ASEAN và các mặt hàng khác xuất nhập cảnh thuận lợi
- Thương hiệu cà phê Việt được yêu thích tại thị trường Trung Quốc
- RCEP chính thức có hiệu lực đối với In-đô-nê-xi-a