> vietnamese > Tin tức > Quảng Tây > Trung tâm hội viên
Những điểm nổi bật trong Báo cáo công tác của Chính phủ Trung Quốc tại kỳ họp Lưỡng hội 2024
 Mới nhất:2024-03-12 18:04:35   Số lần đã xem:0 Nguồn gốc:CMG

\

Kỳ họp Lưỡng hội thường niên (Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân - Chính hiệp và Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc - Quốc hội) là một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất trong năm của Trung Quốc, đồng thời là cơ hội để thế giới có cái nhìn tổng thể về tình hình chính trị và kinh tế-xã hội của Trung Quốc trong thời gian qua.

Tình hình kinh tế thế giới thời gian gần đây tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu kinh tế gì trong năm qua, đặt ra những mục tiêu mới nào trong năm nay và triển vọng phát triển như thế nào? Những vấn đề này không chỉ được người dân Trung Quốc mà cả cộng đồng quốc tế quan tâm. Ngày 5-3-2024, Báo cáo công tác Chính phủ do Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ hai Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa XIV đã đánh giá toàn diện các mặt công tác trong năm 2023 và đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách kinh tế-xã hội của Trung Quốc thời gian tới. Dưới đây là một số điểm nổi bật trong báo cáo:

Năm 2023 là năm đầu tiên thực hiện toàn diện tinh thần Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, và là năm đầu tiên Chính phủ Trung Quốc nhiệm kỳ này thực hiện nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật. Bất chấp những khó khăn, thách thức trong và ngoài nước, Trung Quốc đã đạt được những mục tiêu và nhiệm vụ về phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2023.

Về kinh tế, GDP của Trung Quốc vượt 126.000 tỷ nhân dân tệ (NDT), tăng 5,2%; sản lượng lương thực đạt hơn 650 triệu tấn, một mức cao kỷ lục; các ưu đãi thuế mới trong năm đạt hơn 2.200 tỷ NDT.

Về an sinh xã hội, Trung Quốc đã tạo thêm 12,44 triệu việc làm mới ở khu vực thành thị trong năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực này ở mức trung bình là 5,2%; thu nhập khả dụng bình quân đầu người tăng 6,1%, thu nhập của người dân nông thôn tăng 8,4%; tiêu chuẩn khấu trừ thuế thu nhập cá nhân bổ sung đặc biệt cho “một người già và một trẻ nhỏ” đã được nâng lên, mang lại lợi ích cho hơn 66 triệu người nộp thuế.

Về khoa học công nghệ, máy bay chở khách C919 do Trung Quốc sản xuất đã được đưa vào vận hành thương mại, siêu du thuyền nội địa Trung Quốc được chế tạo thành công, doanh số bán xe năng lượng mới của Trung Quốc chiếm 60% tổng doanh số của thế giới; xuất khẩu “3 sản phẩm mới” gồm xe điện, pin Lithium và sản phẩm quang điện tăng gần 30%. Công suất năng lượng tái tạo của Trung Quốc lần đầu tiên vượt nhiệt điện, chiếm hơn một nửa công suất phát điện lắp đặt của nước này.

Năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và là năm bản lề để đạt được các mục tiêu cũng như những nhiệm vụ được nêu trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) của Trung Quốc. Về mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm dự kiến trong năm nay, Trung Quốc đưa ra những điểm trọng tâm sau:

Thứ nhất, mục tiêu tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt khoảng 5%. Mục tiêu tăng trưởng này về cơ bản phù hợp với nhận định trước đây của các tổ chức trong và ngoài Trung Quốc, góp phần ổn định kỳ vọng của thị trường. Về việc làm, Trung Quốc đặt mục tiêu tạo thêm hơn 12 triệu việc làm mới ở khu vực thành thị trong năm nay, mục tiêu ổn định việc làm cũng được nâng lên. Đồng thời, tăng cường tính nhất quán của định hướng chính sách vĩ mô, để chính sách có thể phát huy hiệu quả, thực sự đạt được mục tiêu chính sách khi đối mặt với môi trường phát triển tương đối phức tạp.

Thứ hai, lần đầu tiên trong Báo cáo công tác Chính phủ đưa ra mục tiêu "đẩy nhanh sự phát triển của sức sản xuất chất lượng mới", tăng cường xây dựng hệ thống công nghiệp hiện đại, đẩy mạnh phát triển các phương tiện sử dụng năng lượng mới, năng lượng hydro mới, vật liệu mới, thuốc cải tiến, nền kinh tế vùng thấp... Trong quá trình phát triển, đưa ra giải pháp kích thích tiềm năng tiêu dùng, tập trung mở rộng nhu cầu trong nước, thúc đẩy chu kỳ tích cực của nền kinh tế, khuyến khích và đẩy mạnh việc thay thế hàng tiêu dùng cũ bằng hàng mới, góp phần mở rộng nhu cầu đầu tư hiệu quả, cải thiện điều kiện môi trường tiêu dùng, giảm bớt tắc nghẽn tiêu dùng, tiếp tục giải phóng tiềm năng tăng trưởng tiêu dùng.

Thứ ba, đưa ra chính sách tiền tệ vững chắc, duy trì tính thanh khoản hợp lý và đầy đủ, quy mô tài chính xã hội và cung tiền phải phù hợp với mục tiêu dự kiến về tăng trưởng kinh tế và mặt bằng giá cả, thúc đẩy sự ổn định và giảm thiểu chi phí tài chính xã hội toàn diện. Điều này nhất quán với nhận định tại Hội nghị công tác kinh tế Trung ương Trung Quốc trước đó. Đáng chú ý, từ năm nay, Trung Quốc có kế hoạch phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt siêu dài hạn trong nhiều năm liên tiếp, trong năm nay sẽ phát hành 1.000 tỷ NDT, giải quyết một cách có hệ thống vấn đề vốn của một số dự án lớn trong quá trình xây dựng đất nước hùng mạnh và chấn hưng đất nước. Mặt khác, việc xử lý các rủi ro tiềm ẩn đã đề cập đến các khía cạnh như tối ưu hóa chính sách bất động sản, giải quyết rủi ro nợ địa phương, xử lý rủi ro của các tổ chức tài chính vừa và nhỏ ở một số nơi. Ngoài ra, cũng nhấn mạnh việc tăng cường xây dựng năng lực an ninh trong các lĩnh vực trọng điểm và phối hợp tốt hơn giữa phát triển và an ninh.

Thứ tư, tăng cường tính ổn định vốn có của thị trường vốn, nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực, thu hút đầu tư vốn dài hạn, hỗ trợ phát triển nền kinh tế thực, thúc đẩy đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao và đổi mới. Kích thích sự linh hoạt của các chủ thể kinh doanh, coi doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn nước ngoài là lực lượng quan trọng trong xây dựng hiện đại hóa, tạo môi trường cạnh tranh công bằng và phát triển cho các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình sở hữu, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, nâng cao sức hấp dẫn của Trung Quốc như một điểm đến đầu tư toàn cầu, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế chất lượng cao.

Cuối cùng, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tiếp tục thu hẹp Danh mục hạn chế tiếp cận đầu tư nước ngoài, xóa bỏ các hạn chế tiếp cận đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất, nới lỏng tiếp cận thị trường cho các ngành viễn thông, y tế và dịch vụ khác. Mở rộng danh mục ngành nghề khuyến khích đầu tư nước ngoài, khuyến khích doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tái đầu tư trong nước. Tăng cường bảo đảm dịch vụ cho đầu tư nước ngoài, xây dựng thương hiệu “Đầu tư vào Trung Quốc”. Những giải pháp này không chỉ giúp ổn định ngoại thương và đầu tư nước ngoài mà còn thúc đẩy mức độ mở cửa cao hơn.