> vietnamese > TQ-ASEAN > ASEAN > Trung tâm hội viên
Trung Quốc tiếp tục là nước nhập khẩu nhiều rau quả Việt Nam nhất
 Mới nhất:2024-07-15 17:47:22   Số lần đã xem:0 Nguồn gốc:CMG

Sáu tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả Việt Nam thu về thành tích khả quan, trong đó kim ngạch ước đạt 3,43 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Đáng chú ý, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, chiếm 64,46% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam), đạt mức tăng ấn tượng 33%.

Trao đổi với Đài chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, ngành có được kết quả như vậy là nhờ một số nguyên nhân như: (i) Sản xuất trong nước tiếp tục tăng trưởng; (ii) Chất lượng các loại sản phẩm ngày càng tốt hơn, các chuỗi cung ứng nông sản được mở rộng và phát triển ổn định; (iii) Thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, thị phần tại các thị trường trọng điểm có tăng trưởng tốt.

Riêng về hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gần đây, nhiều doanh nghiệp nông sản đánh giá thủ tục hải quan tại các cửa khẩu có nhiều chuyển biến tích cực, nâng cao hiệu quả thông qua, đặc biệt giúp rút ngắn thời gian và đảm bảo chất lượng hàng hoá.

“Hiệp hội thấy đánh giá của các doanh nghiệp về vấn đề này là hoàn toàn đúng với thực tế trong 6 tháng đầu năm 2024. Hoạt động thông quan nông sản tại các cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc đã có những thay đổi đáng kể so với 6 tháng đầu năm 2023,” ông Nguyễn Thanh Bình khẳng định.

Vị chuyên gia đánh giá, việc đẩy mạnh thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cả hai bên. Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới rất phù hợp cho việc sản xuất các sản phẩm nông sản nhiệt đới trong đó có rau quả. Tiềm năng và năng lực cung cấp nông sản của Việt Nam là khá lớn. Hiện nay Việt Nam là nước cung cấp rất nhiều nông sản cho thế giới trong đó có Trung Quốc, rau quả của Việt Nam có nhiều loại đặc sản với hương vị vượt trội, chất lượng tốt. Trong khi đó Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản hàng đầu thế giới, người dân có nhu cầu rất lớn, lại gần với Việt Nam về mặt địa lý hơn bất cứ quốc gia nào khác. Hương vị của những trái sầu riêng, chuối tươi, vải, nhãn Việt Nam… rất được yêu thích tại thị trường Trung Quốc, giúp xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam.

Đại diện hiệp hội cho rằng hiện nay các hiệp định cho phép xuất khẩu trái cây của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc chưa nhiều, mới có 11 loại. Trong các mặt hàng đã ký hiệp định, số lượng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói còn ít so với thực lực sản xuất của Việt Nam. Rất nhiều các loại nông sản khác của Việt Nam có thể cung cấp cho thị trường Trung Quốc nhưng vẫn chưa được ký kết. Chuyên gia Nguyễn Thanh Bình kiến nghị hai bên tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đàm phán và ký các hiệp định để thêm nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam có thể chính thức tiến vào phục vụ người tiêu dùng Trung Quốc.

Đối với các mặt hàng đã được ký kết, ông đề nghị phía Trung Quốc tiếp tục xem xét cấp thêm mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để việc sản xuất tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của thị trường tỷ dân.

“Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn về thị trường Trung Quốc (thị hiếu, tập quán, văn hóa, nhu cầu của người tiêu dùng), nên rất mong được cơ quan chức năng hai bên hỗ trợ, tạo điều kiện kết nối và mở rộng quan hệ thương mại,” vị chuyên gia kiến nghị.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Trung Quốc đang nghiên cứu, thúc đẩy một số dự án kết nối đường sắt xuyên biên giới, chẳng hạn như dự án nâng cấp khổ tuyến đường Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, xây mới tuyến Đồng Đăng - Hà Nội, Hà Nội - Móng Cái đều là khổ ray tiêu chuẩn, tốc độ chạy tàu 220 km/h, kết nối cửa khẩu với bến cảng, sân bay… Ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng nếu các dự án này thành hiện thực sẽ giúp việc khai thác tiềm năng thương mại giữa hai nước tốt hơn.

“Tôi cho rằng những dự án và kế hoạch mà hai bên đang cùng nhau xem xét, triển khai sẽ tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc giao thương hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc trong tương lai. Mong rằng những tiềm năng này sẽ nhanh chóng được khai thác để mang lại lợi ích cho cả hai nước Việt - Trung,” ông nói.