> vietnamese > TQ-ASEAN > ASEAN > Trung tâm hội viên
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam từ sự chuyển đổi, phát triển giao thông xanh của Trung Quốc
 Mới nhất:2024-12-31 17:19:51   Số lần đã xem:0 Nguồn gốc:CMG

Ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức đi vào vận hành. Tuyến đường sắt đô thị số 2A  Hà Nội (Cát Linh - Hà Đông)  cũng đã đi vào hoạt động khoảng 3 năm. Bên cạnh việc xây dựng giao thông đường sắt đô thị, dự án đường sắt  tốc độ cao Bắc Nam của Việt Nam vốn bị trì hoãn gần 15 năm cũng có tiến triển quan trọng.Giao thông xanh, tiêu biểu là giao thông công cộng và điện khí hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của xã hội Việt Nam. Trong lĩnh vực này, tốc độ phát triển và thành tựu của Trung Quốc không còn nghi ngờ gì nữa là điều nổi bật nhất. Chính vì vậy, chúng tôi đã mời TS Đặng Minh Tân,  Phó trưởng bộ môn Đường bộ, khoa Công trình, trường Đại học Giao thông vận tải, Việt Nam viết bài “Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam từ sự chuyển đổi, phát triển giao thông xanh của Trung Quốc” nhằm cung cấp tham khảo cho sự phát triển giao thông xanh của Việt Nam.

Lịch sử giao thông thế giới đã chứng kiến một số cuộc cách mạng tiêu biểu về giao thông vận tải như là sự ra đời của động cơ đốt trong ôtô, sự phát triển của tàu thuyền, máy bay hay đường sắt… Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới đang diễn ra sự chuyển dịch mạnh mẽ từ các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang các phương tiện sử dụng năng lượng xanh. Đây cũng có thể coi là một xu hướng toàn cầu nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch.

\

TS. Đặng Minh Tân Phó trưởng bộ môn Đường bộ, khoa Công trình, trường Đại học Giao thông vận tải, Việt Nam

Trung Quốc là một trong những quốc gia công nghiệp hóa nhanh chóng nhất thế giới, cũng đang tích cực chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Một trong những lĩnh vực trọng tâm của quá trình chuyển đổi này là giao thông vận tải, đặc biệt là đường bộ và đường sắt.

Những nỗ lực chuyển đổi xanh của Trung Quốc có thể kể đến là sự phát triển của phương tiện xe điện. Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất và tiêu thụ xe điện lớn nhất thế giới. Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích, bao gồm các khoản trợ cấp, giảm thuế và xây dựng hệ thống sạc. Nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc đã thay thế gần 100% các xe bus chạy bằng nhiên liệu hóa thạch bằng xe bus điện, góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí. Trung Quốc ngày càng thắt chặt hơn các tiêu chuẩn khí thải của các phương tiện. Theo thông báo của Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc (MEE), bắt đầu từ ngày 1 tháng 7 năm 2023, giai đoạn thứ hai của Tiêu chuẩn quốc gia Giai đoạn 6 đã được triển khai. Các loại xe không tuân thủ thì không còn được phép sản xuất, nhập khẩu hoặc bán tại Trung Quốc. Ngoài ra Chính phủ Trung Quốc có những chính sách hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp sản xuất và sử dụng phương tiện xanh. Hơn nữa, Trung Quốc đang trở thành trung tâm sản xuất pin cho xe điện toàn cầu.

Việc chuyển đổi xanh của Trung Quốc không thể không kể đến sự phát triển thần tốc của mạng lưới tàu điện cao tốc. Việc sở hữu mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới giúp Trung Quốc giảm nhu cầu đi lại bằng máy bay và ô tô là những phương tiện phát thải cao hơn. Việc chuyển đổi một phần lớn nhu cầu đi lại sang đường sắt cao tốc giúp giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trên đường bộ, đặc biệt là ở các thành phố lớn ở Trung Quốc. Nhiều tuyến đường sắt cao tốc ở Trung Quốc đã được tích hợp với các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời và gió, giúp giảm thiểu lượng khí thải carbon.

Hiện nay vận tải đường bộ là phương thức vận tải chiếm tỷ trọng chính trong hệ thống vận tải quốc gia ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc sử dụng ôtô/xe máy quá nhiều ở Việt Nam dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, gây lãng phí thời gian và nhiên liệu, đặc biệt là tình trạng tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường. Các thành phố ở Việt Nam hơn bao giờ hết đang ở trong tình trạng phụ thuộc vào các phương tiện giao thông cá nhân.

Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi để khuyến khích sản xuất và tiêu thụ xe điện, như giảm thuế nhập khẩu, miễn lệ phí trước bạ. Thêm vào đó với sự thành công bước đầu của VinFast đã tạo ra một hiệu ứng lan tỏa, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà sản xuất ô tô khác và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp này. Nhờ đó, số lượng xe điện trên đường ngày càng tăng, góp phần cải thiện chất lượng không khí và giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Không những thế, Chính phủ Việt Nam đang tích cực thúc đẩy sự phát triển của hệ thống đường sắt đô thị và đường sắt cao tốc. Các dự án trọng điểm như đường sắt đô thị Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đang được triển khai mạnh mẽ. Gần đây Chính phủ Việt Nam đã đề xuất 19 chính sách đặc thù để triển khai dự án đường sắt tốc độ cao, tập trung vào các nhóm chính như: tài chính, quy hoạch và đầu tư, pháp lý và quản lý cũng như phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao,v.v..

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi sang giao thông xanh, chủ yếu do hạn chế về tài chính và công nghệ. Để khắc phục những khó khăn này, Việt Nam có thể học hỏi từ những kinh nghiệm thành công của các quốc gia phát triển, đặc biệt là Trung Quốc, trong việc phát triển xe điện và đường sắt cao tốc. Việt Nam cần một chiến lược phát triển toàn diện, tập trung vào các yếu tố như đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển công nghệ, xây dựng hệ thống hạ tầng hiện đại, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và thu hút đầu tư. Sự kết hợp đồng bộ giữa các chính sách ưu đãi của nhà nước, sự chủ động đổi mới của doanh nghiệp và việc học tập kinh nghiệm quốc tế sẽ là động lực quan trọng để Việt Nam nhanh chóng bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới và trở thành một quốc gia có nền giao thông xanh, hiện đại.