> vietnamese > TQ-ASEAN > ASEAN > Trung tâm hội viên
Thế hệ trẻ tiếp nối tình hữu nghị lâu dài Trung Quốc – Việt Nam
 Mới nhất:2025-01-13 19:37:00   Số lần đã xem:0 Nguồn gốc:CMG

Những dải nắng vàng dịu ngọt khiến chiều đông Hà Nội bớt đi vẻ lạnh giá, thay vào đó như khoác lên mình chiếc áo len tông màu nhàn nhạt, vừa mềm mại vừa ấm áp.  Giữa hàng cây xanh mướt nơi quận Ba Đình, đoàn thanh niên xếp hàng chỉnh tề bước vào cửa Bảo tàng Hồ Chí Minh – nơi gìn giữ di sản cuộc đời nhà lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Ánh mắt các em sáng trong toát lên vẻ mong đợi, trên tay vẫy lá quốc kỳ thắm đỏ của Trung Quốc và Việt Nam.

Đây chính là đoàn 70 sinh viên hai nước đến tham quan Triển lãm “Dấu chân Hồ Chí Minh ở Trung Quốc” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày 2/1/2025. Các em là những sinh viên Việt Nam theo học ngành ngôn ngữ tiếng Trung trên địa bàn Hà Nội và lưu học sinh Trung Quốc đang học tập tại đây.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam. Người cũng là người bạn thân thiết của Đảng Cộng sản và Nhân dân Trung Quốc. Trên hành trình tìm đường cứu nước, lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập dân tộc, người đã từng đến Trung Quốc hoạt động trong một thời gian dài, là người đặt nền móng cho tình đoàn kết hữu nghị và quan hệ hợp tác mật thiết giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc.

Sau khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đến thăm Trung Quốc. Trên khắp đất nước Trung Quốc rộng lớn đều ghi lại những dấu chân của Người, cùng với tình hữu nghị sâu sắc mà Người mang tới. Những chuyến viếng thăm Trung Quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khắc sâu thêm tình hữu nghị giữa Người với nhân dân Trung Quốc, phản ánh sự quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, kề vai sát cánh trong sự nghiệp cách mạng và xây dựng đất nước giữa nhân dân hai nước cũng như trong việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị bền chặt giữa hai quốc gia.

\

Đoàn sinh viên hai nước chăm chú lắng nghe thuyết trình tại Triển lãm “Dấu chân Hồ Chí Minh ở Trung Quốc”, ngày 2/1/2025

Lương Nguyệt Anh (2004), hiện là sinh viên năm 4 trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, bày tỏ niềm xúc động khi tới tham quan triển lãm. Sinh ra trong gia đình có bố mẹ đều là giáo viên lịch sử, từ nhỏ Nguyệt Anh đã có niềm yêu thích tìm hiểu về lịch sử nói chung, về các danh nhân trong lịch sử như chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng.

Trên ghế nhà trường, nữ sinh được biết Trung Quốc như là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Nhật ký trong tù”. Trong thời gian hoạt động tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập tổ chức, xây dựng lực lượng, đào tạo cán bộ nòng cốt giúp hình thành tiền đề cho cách mạng Việt Nam giành thắng lợi sau này.

“Qua hoạt động tham quan tìm hiểu ngày hôm nay, em còn biết thêm nhiều về cuộc đời và quá trình hoạt động của Người ở Trung Quốc, cũng như về tình cảm thắm thiết và sự giúp đỡ nhiệt tình mà nhân dân Trung Quốc đã dành cho Người trong những năm tháng đầy cam go,” Nguyệt Anh nói.

Trong số hàng trăm hiện vật được trưng bày tại triển lãm, nữ sinh ấn tượng nhất với bức ảnh chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh do nhiếp ảnh gia Trung Quốc Lục Văn Tuấn chụp khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Quảng Đông, tháng 5/1964. Bức hình này sau đó đã trở thành ảnh chân dung tiêu chuẩn của Bác Hồ, được lưu truyền rộng rãi từ đó đến nay, thậm chí sử dụng trên cả đồng tiền Việt Nam bây giờ.

“Bức ảnh này em đã thấy ở khắp nơi, từ trường học đến ngoài xã hội nhưng giờ đây em mới biết về câu chuyện lịch sử đằng sau. Nhìn bức ảnh này rất có hồn, em cảm thấy như thể Bác đang đứng ở đây mỉm cười hiền từ với chúng em vậy,” Nguyệt Anh xúc động chia sẻ.

Nữ sinh cho biết rất mong muốn được đến thăm những địa điểm “du lịch đỏ” tại Trung Quốc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đến trong thời gian hoạt động cách mạng, bên cạnh đó em còn mong muốn được tham quan những danh lam thắng cảnh khác để được mở rộng tầm mắt và hiểu thêm về đất nước Trung Quốc xinh đẹp.

“Hai nhà lãnh đạo Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đã đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị “vừa là đồng chí vừa là anh em” giữa Việt Nam và Trung Quốc. Giờ đây, thế hệ trẻ hai nước trong đó có những sinh viên như chúng em có thể tiếp nối truyền thống này thông qua các hoạt động giao lưu trên nhiều lĩnh vực như văn hoá – giáo dục, kinh tế - thương mại, du lịch… Việc chúng em học tập tiếng Trung cũng là một mảnh ghép của giao lưu văn hoá giữa hai nước. Chúng em rất mong muốn được cùng các bạn sinh viên Trung Quốc giao lưu, tìm hiểu thêm về đất nước của nhau trong thời đại mới,” Nguyệt Anh bày tỏ.

Chung tâm trạng như Lương Nguyệt Anh là sinh viên Đặng Phương Thảo (2003), đang theo học Đại học Ngoại thương Hà Nội. Nữ sinh cho biết:

“Trước đây em có nghe nói Bác Hồ từng có thời gian dài hoạt động cách mạng ở Trung Quốc. Nhưng đến hôm nay em mới cảm nhận rõ, hành trình này rất dài và rất vất vả. Trong những năm tháng khó khăn ở Trung Quốc, Bác đã nhận được sự yêu quý, giúp đỡ của không chỉ các lãnh đạo mà còn nhân dân Trung Quốc nữa. Em thấy vô cùng tự hào và cảm động về điều đó.”

Trong thời gian theo học Trung học Phổ thông, Phương Thảo từng có cơ hội tới Liễu Châu và Quảng Tây (Trung Quốc) trong vòng một tháng theo chương trình do nhà trường tổ chức. Chuyến đi đã để lại cho em nhiều ấn tượng sâu đậm.

“Trong trí nhớ của em, người dân Trung Quốc rất thân thiện, cởi mở với người nước ngoài. Họ biết chúng em đến từ Việt Nam và đã giúp đỡ rất nhiệt tình. Hồi đó, tiếng Trung của em còn chưa được tốt nên không thể giao lưu nhiều với các bạn. Đây là điều khiến em tiếc nuối, nhưng cũng chính là động lực thôi thúc em học tập tiếng Trung tốt hơn,” nữ sinh chia sẻ.

Phương Thảo cho biết, hiện nay em thấy có một bộ phận các bạn trẻ có hiểu lầm, thậm chí là định kiến về Trung Quốc cũng như về quan hệ hai nước. Nhưng qua những hoạt động giao lưu như hôm nay, em tin rằng ai tìm hiểu cũng sẽ biết được rằng các nhà lãnh đạo hai nước đã từng thân thiết với nhau như thế nào, tình hữu nghị hai nước đã từng bền chặt ra sao.

“Tình cảm thắm thiết giữa hai dân tộc là điều đã có sẵn, chúng em cần tiếp nối truyền thống đó để quan hệ hữu nghị hai nước ngày càng bền chặt hơn,” Thảo nói, khẳng định những người trẻ cần tìm hiểu về lịch sử để có được cái nhìn sâu sắc và đa chiều hơn về quan hệ giữa hai nước, từ đó truyền bá thông tin chính xác và lan toả năng lượng tích cực.

Chương trình tham quan triển lãm “Dấu chân Hồ Chí Minh ở Trung Quốc” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh là một trong những hoạt động đầu tiên được Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội tổ chức trong năm 2025, hướng đến 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc (1950-2025).

Ông Trương Đức Sơn, Giám đốc trung tâm cho biết, hoạt động nhằm tạo cơ hội cho thanh niên hai nước giao lưu, tìm hiểu về tình hữu nghị lâu đời của hai dân tộc - mối quan hệ đã được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Trên nền tảng những hiểu biết này, các bạn trẻ sẽ có thêm động lực kế thừa và phát huy các truyền thống tốt đẹp đó, để mối tình hữu nghị Việt-Trung “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.

\

Đoàn sinh viên hai nước Trung Quốc - Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, ngày 2/1/2025

Nguồn: CMG